Menu
TBS Group tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh
12-05-2021

TBS Group tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh

Những năm qua, TBS Group vẫn không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, sản xuất công nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong định hướng phát triển của tập đoàn. Nhiều nhà máy quy mô lớn được hình thành và đi vào hoạt động, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nam Bộ như: Kiên Giang, An Giang,… Mới đây nhất, quý 1/2021, TBS Group chính thức đưa nhà máy Mỹ Phong (tỉnh Trà Vinh) vào chuỗi sản xuất ngành giày và túi xách, tiếp tục thực hiện hoá mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Lợi thế chi phí nhờ quy mô sản xuất lớn

Có thể nói, việc mở rộng quy mô có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Trong thuật ngữ kinh tế, đây được gọi là Lợi thế kinh tế về quy mô, tức lợi thế chi phí doanh nghiệp có được khi sản xuất hiệu quả hơn. Doanh nghiệp càng lớn, chi phí tiết kiệm càng nhiều. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, lợi ích kinh tế nhờ quy mô càng được thể hiện rõ.

Về mặt bản chất, ‘Lợi thế kinh tế nhờ quy mô’ tác động quan trọng đối với mọi doanh nghiệp ở bất kỳ ngành nghề nào. Với TBS Group, việc mở rộng quy mô sản xuất là một phần quan trọng trong mục tiêu gia tăng năng lực cạnh tranh dựa trên chi phí cũng như chất lượng sản xuất. Cụ thể hơn có thể xét trên 5 mặt lợi ích kinh tế như sau:

  • Thứ nhất: tiết kiệm chi phí đầu vào: các đơn đặt hàng số lượng lớn từ các nhà cung ứng sẽ có giá thành tốt hơn.
  • Thứ hai: sự chuyên môn hoá: chuyên môn hoá lao động theo từng khâu sản xuất và tích hợp máy móc công nghệ cao, hiện đại.
  • Thứ ba: Lợi thế tài chính: gia tăng uy tín và giá trị doanh nghiệp. Điều này giúp cho việc huy động vốn dễ dàng hơn.
  • Thứ tư: Tiếp thị: Cùng một chi phí nhưng nếu tiếp thị có thể đẩy mạnh 1 lượng hàng bán ra thì xem như chi phí tiếp thị, quảng cáo trung bình sẽ được giảm đáng kể.
  • Thứ năm: Lợi thế quản lý: Khi qui mô doanh nghiệp lớn và được chuyên môn hoá cao sẽ tạo điều kiện cho các quản lý chuyên nghiệp phát huy tối đa năng lực cũng như đẩy mạnh chất lượng từng bộ phận hơn.

Tất nhiên, vấn đề nào cũng sẽ có hai mặt của nó. Mở rộng quy mô sẽ tiếp thêm động lực phát triển cho doanh nghiệp, nhưng đồng nghĩa các chi phí vận hành cũng sẽ tăng theo, bộ máy quản lý cũng trở nên “cồng kềnh” hơn. Lúc này, chiến lược phát triển lâu dài và bền vững chính là chìa khoá quyết định sự tồn tại và tăng trưởng của doanh nghiệp. Đó cũng là lý do vì sao, việc mở rộng quy mô của TBS Group luôn được song hành với quá trình tái cấu trúc, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Sáp nhập nhà máy Mỹ Phong (tỉnh Trà Vinh) vào hệ thống sản xuất, TBS Group chuẩn bị cho hành trình tăng tốc và bứt phá

 

Khởi nguồn là doanh nghiệp nhỏ có trụ sở tại Bình Dương, trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, ngành sản xuất công nghiệp TBS Group đã khoác lên mình diện mạo mới. Từ doanh nghiệp chuyên gia công giày nữ, giờ đây, TBS Group đã được định hình là doanh nghiệp sản xuất da giày, túi xách cao cấp. Quy mô sản xuất toàn hệ thống được trải dài từ Bắc vào Nam, cung cấp việc làm cho hơn 30.000 lao động, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế quốc gia.

Tiên phong trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất ra khỏi Bình Dương chính là nhà máy Sông Trà – tỉnh Thái Bình. Sau thành công đó, TBS Group tiếp tục “tìm đến những vùng đất mới” như TBS Đồng Xoài (Bình Phước), TBS Kiên Giang, TBS An Giang… năng lực sản xuất lên đến hàng chục triệu sản phẩm mỗi năm, bao gồm giày, túi xách và công nghiệp phụ trợ.

Mới đây nhất, TBS Group hoàn tất các thủ tục cuối cùng, chính thức đưa nhà máy Mỹ Phong (Trà Vinh) gia nhập hệ thống. Đây được xem là cột mốc quan trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất của tập đoàn, đặc biệt đối với khu vực Tây Nam Bộ.

Được thành lập năm 2005 tại Trà Vinh, Mỹ Phong có tổng diện tích trên 53ha bao gồm 3 cơ sở:

  • Mỹ Phong 1 (Trụ sở chính): quy mô 34ha, thuộc xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.
  • Mỹ Phong 2: quy mô 13ha, thuộc xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
  • Mỹ Phong 3: quy mô 6ha, thuộc xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Cả 3 cơ sở đều có hệ thống nhà thể thao, trung tâm văn hoá quy mô lớn và hệ thống ký túc xá (tương đương khách sạn) với tổng 224 phòng.Về năng lực sản xuất, Mỹ Phong từng ghi nhận sản lượng cao nhất là 45 triệu sản phẩm (năm 2015), số lượng lao động có thể lên đến 30 nghìn người (năm 2015).

Có thể thấy, việc sáp nhập Mỹ Phong vào hệ thống sản xuất có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển của TBS Group trong tương lai. Đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 vẫn đang gây nhiều ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, cùng với làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, ắt hẳn đây sẽ là bước đệm vững chắc cho cú bứt phá ngoạn mục của TBS.

Cùng với các lợi thế kinh tế theo quy mô, năng lực cạnh tranh của TBS Group sẽ gia tăng đáng kế, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, cả về số lượng, chất lượng lẫn giá thành.

Bên cạnh đó, quá trình dịch chuyển sản xuất về các tỉnh Tây Nam Bộ cũng nằm trong chiến lược phát triển bền vững của TBS Group trong nhiều năm qua. Với chủ trương phát triển “ly nông, không ly hương”, TBS Group mong muốn đem lại nguồn việc làm dồi dào và ổn định cho lao động địa phương. Cuộc sống người dân được cải thiện, không phải rời xa quê hương đến thành phố lớn, các khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm, nơi mức sống đắt đỏ và các vấn đề xã hội liên quan.

Kết:

Việc đưa Mỹ Phong vào hệ thống TBS Group là một nỗ lực to lớn của Ban lãnh đạo TBS Group, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của tập đoàn. Khó khăn và thử thách vẫn còn đó, toàn thể cán bộ nhân viên TBS Group quyết tâm đưa Mỹ Phong vận hành hiệu quả và năng suất, vì tương lai của TBS Group và cuộc sống của người lao động.

  • Chia sẻ bài viết