Menu
Quy mô kinh tế – Định thế sức hút cạnh tranh của TBS Group
06-08-2021

Quy mô kinh tế – Định thế sức hút cạnh tranh của TBS Group

Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế sau nhiều năm phát triển đã thành công xây dựng cho riêng mình một con đường phát triển chiến lược riêng biệt, phù hợp với năng lực nội tại cũng như phản ứng tốt với đặc tính của thị trường tham gia. Nhìn từ bức tranh tổng thể, các con đường này tuy tách biệt về mô hình nhưng định hướng về cơ bản đều giống nhau: “đổi mới để đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh và nắm bắt cơ hội”. Các tiểu ngành chính của công nghiệp chế biến, chế tạo như Da giày, dệt may, trong đó có TBS Group cũng không nằm ngoài hướng đi phát triển này.

Thế nào là quy mô kinh tế và đòn bẩy lợi thế tạo ra cho doanh nghiệp Việt?

Sơ lược bức tranh kinh tế Việt Nam tới nay

Theo số liệu của The World Bank (Ngân hàng thế giới) Việt Nam đã thành công thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm đói nghèo cũng như cải thiện hiệu quả thu nhập bình quân đầu người, cụ thể: GDP 2018 đạt mức tăng 2,7 lần so với 2002. GDP 2019 ước tính vào khoảng 2,700 USD với tỷ lệ nghèo giảm đáng chú ý chỉ còn dưới 6%. Khả năng chống chịu trong đại dịch cũng giúp Việt Nam nằm trong nhóm thiểu số các quốc gia có biểu đổ kinh tế tăng trưởng dương với con số tăng dự báo vào khoảng 6,6% 2021 (1). Thực tế tổng sản phẩm quý II/2021 được Tổng cục Thống kê ghi nhận ở mức tăng khả quan bất chấp tình hình dịch bệnh, 5,64%; trong đó nhóm ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05% (2).

tong-san-pham-trong-nuoc-2021

Các con số nêu trên cho thấy mặt tăng trưởng khả quan khi nhìn vào bức tranh kinh tế xã hội Việt Nam thời gian gần đây, đặc biệt rõ khi so sánh với giai đoạn những năm 1980: thu nhập bình quân mỗi người dân chỉ vỏn vẹn dưới 100 usd. Ở mặt kém tích cực hơn khi nhìn vào các yếu tố đánh giá khác như mô hình tăng trưởng, năng suất trung bình của doanh nghiệp, quy mô kinh tế, giá trị gia tăng, v.v… thì rất rõ ràng những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt là không đơn giản.

text-01

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững của nhà nước hay còn gọi là “bẫy tăng trưởng”: ám chỉ mô hình kinh tế phụ thuộc lớn vào tài nguyên thô và nguồn lực sẵn có để tăng tốc phát triển nhưng vô hình chung lại đẩy nhanh tốc độ suy thoái môi trường, dẫn đến phát sinh chi phí lớn hơn về sau.cac-giai-doan-cnh-duoi-kip

Chú thích: “Bẫy tăng trưởng” hay còn gọi là “bẫy thu nhập trung bình” mô tả việc không thoát khỏi trình độ khai thác tài nguyên thô để đưa nền kinh tế chuyển lên nấc thang phát triển dựa vào công nghiệp chế biến, cao hơn nữa là dựa vào công nghệ.

Trong quá trình Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thị trường thế giới, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội đan xen lẫn những thách thức không nhỏ. Ví dụ có thể thấy là sau khi gia nhập WTO, mức độ bảo hộ đối với các doanh nghiệp trong nước giảm đáng kể trong khi áp lực cạnh tranh tăng cao do có sự tham gia của không chỉ các doanh nghiệp khu vực mà cả quốc tế. Từ đây thực tiễn yêu cầu Việt Nam và các nhà cung cấp tham gia vào chuỗi cung cần tập trung triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chiến lược phát triển nhằm vào mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh bền vững và lâu dài, năng suất lao động, mức độ sẵn sàng với CMCN 4.0 và giá trị tăng thêm cho sản phẩm và dịch vụ.

text-03

Quy mô kinh tế và tác động lên giá trị gia tăng ngành

Tính quy mô kinh tế của một doanh nghiệp có thể hiểu là lợi thế về chi phí sản xuất thông qua việc tăng sản lượng qua đó hạ giá thành thành phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho các nhãn hàng. Ưu điểm này thường chỉ xuất hiện ở những doanh nghiệp quy mô lớn bởi chi phí cho mỗi một đơn vị sản phẩm là dàn trải trên số lượng sản xuất. Đồng nghĩa để tăng biểu đồ “lượng” doanh nghiệp đó phải có khả năng đáp ứng được các đơn hàng lớn nhưng vẫn phải bảo đảm được yêu cầu về chất lượng đồng đều cũng như thời gian giao hàng. Hiển nhiên để làm được điều này cần rất nhiều nguồn lực từ máy móc, công nghệ, tiềm lực tài chính, trình độ quản lý, khả năng xây dựng mối quan hệ với nhãn hàng cũng như yếu tố con người – những điều vẫn đang là thách thức lớn cho các nhà cung cấp vừa và nhỏ.

Một trong những nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (2021 – 2030) của Việt Nam ngoài nâng cao năng lực quản lý kinh doanh & xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi giá trị trong nước & quốc tế, còn tập trung vào công tác phát triển trình độ khoa học công nghệ nhằm đón làn sóng CMCN 4.0. Theo một nghiên cứu về mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ kỹ thuật cao thực hiện bởi Bộ Công thương (MOIT), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vào năm 2018 (3) cho thấy rằng các doanh nghiệp càng lớn thì số điểm sẵn sàng càng cao hơn do tác động đòi hỏi từ quy mô sản xuất, quy mô lao động, yêu cầu kết nối giữa các thiết bị, cũng như phân tích và quản trị dữ liệu theo thời gian thực.

diem-san-sang-theo-quy-mo-doanh-nghiep

TBS Group tái cấu trúc, mở rộng chuỗi sản xuất nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Là một trong những doanh nghiệp đầu tàu ngành công nghiệp chế biến – chế tạo mà cụ thể là lĩnh vực da giày – túi xách, TBS Group đã trải qua một hành trình phát triển gần 32 năm. Từ một nhà máy được xây dựng năm 1992 tại Bình Dương với quy mô vỏn vẹn 1 phân xưởng may, 12 chuyền và 760 nhân công đến nay TBS đã phát triển cho mình một hệ thống cung ứng rộng khắp cả nước với 35 nhà máy trải dài từ Bắc vào Nam. Tổng diện tích sản xuất của TBS tính tới 2021 vào khoảng trên 45,000 m2, cung cấp việc làm cho gần 40,000 lao động khu vực bao gồm: Thái Bình (~26,500 m2), Đà Nẵng, Quảng Nam (~62,500 m2), Bình Phước, Bình Dương (~266,000 m2), Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh (~490,000 m2). Bên cạnh quy mô vượt trội, TBS Group hiện tại đã xây dựng được tổng 6 trung tâm R&D với khoảng 2,500 lao động, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nghiên cứu và phát triển sản phẩm của các nhãn hàng ở cả hai lĩnh vực giày và túi xách. Sản phẩm xuất khẩu của TBS đa dạng từ các dòng giày casual, water proof, giày thời trang cho tới các sản phẩm túi xách, ba lô, túi du lịch, túi golf, v.v…. 

text-04

Với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với EU và quốc tế, TBS đã sớm nhận định được môi trường cạnh tranh sẽ ngày càng trở nên khốc liệt khi giờ đây các lợi thế về chi phí nhân công và chi phí sản xuất không còn là nhân tố tác động lớn. Nếu không có các chiến lược phát triển phù hợp thì chắc chắn sẽ phát sinh nhiều điểm nghẽn, chướng ngại trong quá trình tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng của tập đoàn. Phương hướng chuyển trọng tâm đầu tư về cả chiều sông và chiều rộng cho ngành sản xuất công nghiệp được TBS Group nhận định là một trong những giải pháp cốt lõi.

Về chiều rộng: so với trước đây khi quy mô nhà máy chủ yếu nằm tại miền Đông thì trọng tâm mở rộng đã xoay qua các khu vực miền Tây nhằm tận dụng các ưu đãi thuế về đất đai, qua đó nâng cao tổng năng suất và giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp TBS, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy kinh tế địa phương. Gần đây nhất là việc sát nhập cụm nhà máy Mỹ Phong gồm ba khu vực lần lượt nằm tại huyện Tiểu Cần và Trà Cú của tỉnh Trà Vinh, có tổng diện tích trên 500,000 m2 với 6,000 lao động, công suất tối đa có thể đạt được vào khoảng 45 triệu sản phẩm một năm.

Về chiều sâu: TBS theo đuổi các chiến lược đầu tư vào phát triển và xây dựng giải pháp cho bài toán nâng cao trình độ công nghệ, sử dụng máy móc thiết bị của làn sóng CMCN 4.0 như quản trị tích hợp, tự động hóa, điện toán đám mây, chia sẻ dữ liệu, công nghệ thực tế ảo, v.v… Trong 2020, một trung tâm dữ liệu sản xuất đã ra đời, bước đầu hỗ trợ hiệu quả trong việc phát hiện điểm nghẽn, nâng cao năng suất. Song song đó ban lãnh đạo ngành cũng đã và đang lên kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa khả năng làm chủ nguồn nguyên liệu, có thể tự chủ động trong các công đoạn cốt lõi như mở thêm các khu vực làm đế giày, in ấn, thêu ép và sản xuất khuôn đế.


Tài liệu tham khảo:

(1): Ngân hàng Thế giới, (2021). Tổng quan về Việt Nam.

(2): Tổng cục Thống kê Việt Nam, (2021). Kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khá bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

(3): Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), (2019). Năng suất và khả năng cạnh trạnh của các doanh nghiệp Việt Nam.

(4): Nguồn: Tiến sĩ Trần Đình Thiện, (2014). Những vấn đề của nền kinh tế duy trì quá lâu vào mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và sản xuất gia công, lắp ráp.

Phòng Truyền thông TBS Group

  • Chia sẻ bài viết